Tại sao iPhone ngày càng gây thất vọng vẫn liên tục lập kỷ lục? (phần 2)

phuc 10 năm trước 1570 In

Nếu mang quan điểm sử dụng của riêng mình để phân tích thị trường và phân tích tình hình Apple, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được câu chuyện của Quả Táo. Cũng giống như những công ty khác, Apple tìm mọi cách để giảm thiểu chi phí và tăng tối đa lợi nhuận. Nhưng vì sao chiến lược "thu lời tối đa" của Apple lại có thể hiệu quả tới vậy?

Câu trả lời là vì Apple áp dụng 4 chiến lược chính: tạo ra những sản phẩm có chất lượng vừa đủ để không mất khách hàng; giảm thiểu chi phí nghiên cứu và phát triển bằng cách tránh theo đuổi các tính năng không cần thiết; lựa chọn phát triển những tính năng đem lại hiệu quả thương hiệu/hình ảnh và hiệu quả kinh tế cao nhất; và cuối cùng là xây dựng hình ảnh theo đúng những gì mà phần đông người tiêu dùng thèm muốn.

iPhone vẫn "đủ tốt" cho trải nghiệm sử dụng hàng ngày

http://www.youtube.com/watch?v=gsCfBgK691M

iPhone vẫn đủ sức để mang lại những tựa game di động "đỉnh" nhất. Video: demo trò chơi Vainglory trên iPhone 6.

Trước hết, hãy cùng loại bỏ những lời chỉ trích vô lý về thông số của iPhone. Người ta chê bai iPhone 6 vì chỉ có vi xử lý lõi kép và 1GB RAM. Nhưng tại sao iPhone lại cần có vi xử lý lõi tứ hay dung lượng RAM khủng, trong khi rõ ràng các game di động đình đám vẫn chạy rất mượt mà và vẫn luôn có mặt trên iOS trước tiên (đôi khi cũng sẽ là duy nhất). Bất kể là ra mắt năm nào, mỗi chiếc iPhone và iPad mới vẫn sẽ được cập nhật iOS trong vòng 3 năm. Thực tế đang diễn ra là nhà sản xuất Android vẫn không thể đưa ra những đảm bảo tương tự, kể cả với những chiếc smartphone đình đám như Galaxy S3.

Tiếp đó là thông số độ phân giải. iPhone Plus chỉ có độ phân giải Full HD 1080p, khi cả LG G3 (5,5 inch) và Galaxy Note 4 (5,7 inch) đều đã có độ phân giải Quad HD 2560 x 1440 pixel. Nhưng mật độ điểm ảnh ở mức 300 – 400 PPI đã là quá đủ cho mắt người. Để nhận ra sự khác biệt, bạn sẽ phải nhìn màn hình ở khoảng cách rất, rất gần – do đó một độ phân giải quá cao sẽ là hoàn toàn thừa thãi. Sự khác biệt về chất lượng hiển thị không chỉ phụ thuộc vào độ phân giải, chưa kể độ phân giải quá cao sẽ càng khiến tốn pin mà thôi.

http://www.youtube.com/watch?v=yYFLE3bPCdw

Hiệu năng ứng dụng không chỉ đến từ phần cứng mà bao gồm cả hệ điều hành. Video: Infinity Blade III

Nói tóm lại, fan Táo không cần phải lo lắng về thông số của iPhone. Điều mà họ trực tiếp được trải nghiệm là một sản phẩm (họ cho là) đẹp, có hệ điều hành mượt mà và đủ tính năng, có tất cả các ứng dụng tốt nhất. Apple sẽ luôn kịp thời nâng cấp cấu hình và phần mềm cho iPhone, không để cho iPhone tụt hậu lại thành những sản phẩm mà người dùng không thể chấp nhận được. Đôi khi, Apple còn vượt mặt về một tính năng phần cứng (ví dụ, tiêu chuẩn độ phân giải Retina) hoặc phần mềm (ví dụ, iMessage hay Siri). Và khi người tiêu dùng hoàn toàn không phải chịu thiệt thòi như vậy, Apple cũng không hề có lý do gì để bỏ thêm tiền phát triển vi xử lý mạnh mẽ hơn hoặc mua các chip RAM có dung lượng lớn hơn cho iPhone.

Không vung vãi tiền của để gia tăng số lượng tính năng một cách vô tội vạ

Hãy điểm qua các thế mạnh cho đến giờ vẫn là của riêng Android và Windows Phone: sạc không dây, khả năng chống nước, loa kép, cảm biến tia hồng ngoại để điều khiển TV hay cảm biến nhịp tim… Các fan của Android cười chê iPhone vì không có những tính năng này, nhưng xét cho cùng, đây cũng chỉ là những tính năng có thì tốt, không có thì cũng không phải là vấn đề quá lớn.

Chiếc Xperia Z tiên phong cho trào lưu smartphone đầu bảng chống nước Chiếc Xperia Z tiên phong cho trào lưu smartphone đầu bảng chống nước

Hãy thử cùng nhìn nhận một cách bình tĩnh và khách quan khi đánh giá nhận định trên. Là người dùng công nghệ nói riêng và người tiêu dùng nói chung, ai cũng muốn mua được những sản phẩm càng nhiều tính năng, càng hoàn hảo càng tốt. Nhưng bất cứ thứ gì cũng đều có giá của nó, và cái "giá" ở đây không chỉ là tiền bạc. Trong trường hợp không biết kết hợp khéo léo, các nhà sản xuất có thể tạo ra những trải nghiệm người dùng tương đối "hổ lốn" như TouchWiz của Galaxy S4. Các tính năng phần mềm không cần thiết sẽ gây tốn bộ nhớ, tốn pin, còn tính năng phần cứng có thể gây tốn pin không cần thiết và làm tăng kích cỡ/cân nặng của thiết bị.

Để hiểu rõ vì sao Apple không chạy đua tính năng với Android, hãy thử lấy ví dụ cụ thể về một tính năng có thể được coi là rất cần thiết: chống nước. Bất kỳ người dùng nào cũng đều lo ngại sẽ đánh rơi điện thoại vào bồn rửa mặt. Nhưng, số lượng trường hợp người dùng thực sự đánh rơi điện thoại vào nước vẫn sẽ luôn là rất ít. Lý do là bởi dù điện thoại có chống nước hay không thì không một ai đủ "điên" để thường xuyên (cố tình) đem nhúng nước một chiếc điện thoại tầm giá 15 triệu đồng như Xperia Z hay Galaxy S5. Tâm lý nói chung vẫn là càng nâng niu smartphone càng tốt.

Bạn có thể kiểm chứng điều này ngay tại Việt Nam. Chuỗi bán lẻ FPT Shop có chính sách đổi mới cho iPhone bị rơi vỡ và nước vào (hoàn toàn do lỗi người dùng), nhưng có mấy người dùng thực sự ngớ ngẩn, thiếu ý thức và lố bịch để cố tình "đập phá" chiếc iPhone của mình rồi mang "đổ vạ" cho cửa hàng?

HTC One M7 khởi đầu cho cuộc đua loa kép stereo trên smartphone HTC One M7 khởi đầu cho cuộc đua loa kép stereo trên smartphone

Và giá thành của tính năng chống nước sẽ do ai gánh chịu? Câu trả lời là cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Ngay cả Sony hay Samsung cũng không dám tung ra chính sách bảo hành cho những chiếc Xperia Z hay S5 bị nước vào! Luôn miệng dùng câu nói "chống nước chỉ là phòng vệ" để bào chữa, Sony hiểu quá rõ rằng việc tung ra chính sách bảo hành cho smartphone chống nước có thể mang tới những hậu quả kinh tế khổng lồ cho hãng.

Bởi vậy, thực tế ở phân khúc smartphone cao cấp vẫn không thể thay đổi rõ rệt: số lượng người dùng lựa chọn iOS, thiết kế, sức mạnh thương hiệu của Apple hoàn toàn áp đảo lượng người dùng lựa chọn tính năng chống nước, sạc không dây, camera 41MP hay bàn phím vật lý của các hãng khác. Doanh số iPhone vẫn quá áp đảo so với các smartphone đầu bảng cạnh tranh.

Nhưng không một thương hiệu smartphone nào có thể đạt doanh số 9 triệu chiếc trong 3 NGÀY như iPhone. Nhưng không một thương hiệu smartphone nào có thể đạt doanh số 9 triệu chiếc trong 3 NGÀY như iPhone.

Nói tóm lại, không thể phủ nhận rằng người tiêu dùng sẽ muốn các tính năng chống nước hay sạc không dây. Nhưng tự đặt mình vào vị trí người mua hàng, bạn sẽ thấy rằng chúng ta ít khi lựa chọn Xperia Z2, Galaxy S5 hay iPhone 5s để có được một vài tính năng nào đó. Người tiêu dùng luôn cân nhắc tới yếu tố thương hiệu đầu tiên, và các tính năng phụ trợ chỉ đóng vai trò bổ sung thêm một chút cảm xúc thỏa mãn đối với sản phẩm đã mua mà thôi. Nói cách khác, nếu đã mê Samsung, bạn cũng đã từng mơ ước về Galaxy S4 và vẫn sẽ mua S5 ngay cả khi chiếc smartphone này không chống nước, không có cảm biến nhịp tim - vốn là những tính năng mà S4 không có.

Vậy nếu bạn là Tim Cook, liệu bạn có nên vung vãi tiền nghiên cứu để chạy theo các tính năng mà fan Táo đã sẵn sàng chấp nhận bỏ qua ngay từ đầu hay không? Hãy nhớ rằng chúng ta đang không đánh giá thành công của Táo dựa trên góc độ người dùng, mà là từ góc độ "giảm chi phí, tăng lợi nhuận" của giới kinh doanh. Ở đây, Apple đã lựa chọn đúng.

Lựa chọn phát triển những tính năng có hiệu quả hình ảnh và hiệu quả kinh tế cao nhất

Apple không phải là một công ty dậm chân tại chỗ. Quả táo vẫn không bỏ qua những xu hướng tất yếu nhất, mà ví dụ điển hình nhất là chiếc iPhone màn hình lớn của năm nay.

Kém thông minh hơn Google Now nhưng Siri mới là thương hiệu trợ lý ảo di động tiên phong, được nhiều người biết đến nhất Kém thông minh hơn Google Now nhưng Siri mới là thương hiệu trợ lý ảo di động tiên phong, được nhiều người biết đến nhất

Nhưng quan trọng hơn là Quả Táo biết lựa chọn tung ra những tính năng mới có thể "gây bão" cho thị trường. Ví dụ điển hình nhất là trợ lý ảo Siri. Google và Samsung có thể đã nhanh chân hơn Apple trong các cuộc đua khác, nhưng trong cuộc chiến trợ lý ảo đình đám, Siri mới là người dẫn đầu cả về thời gian lẫn mức độ nổi tiếng. Chính cô trợ lý ảo này đã góp rất nhiều phần vào thành công về mặt doanh số của iPhone 4S.

Ngay cả câu chuyện về iPhone đầu tiên (2007) cũng vậy. Smartphone thời kỳ đó hoặc là có màn hình nhỏ (Nokia), hoặc lại sử dụng hệ điều hành phức tạp (O2). Apple lựa chọn ra mắt một smartphone màn hình cảm ứng lớn và hệ điều hành rất dễ sử dụng. Kết quả là chỉ một vài cải tiến có vẻ khá nhỏ nhặt (nhưng không ai nghĩ đến) cũng đã thay đổi toàn bộ cục diện thị trường điện thoại di động. Kể từ điểm khởi đầu rực rỡ này, thương hiệu iPhone cho đến giờ vẫn là thương hiệu có trị giá lớn nhất trên thị trường smartphone. Chợ ứng dụng iTunes, độ phân giải Retina hay trợ lý ảo Siri đã tạo ra ấn tượng rằng Apple đang đi đầu trong những cuộc đua đáng chú ý nhất, và bởi vậy đã góp phần rất hiệu quả vào việc xây dựng thương hiệu cho Táo.

Google và Samsung cho đến giờ vẫn chưa tận dụng được kết nối NFC vào mục đích thương mại Google và Samsung cho đến giờ vẫn chưa tận dụng được kết nối NFC vào mục đích thương mại

Apple cũng sẽ chỉ ra mắt tính năng mới với những mục đích rất rõ ràng, vào những thời điểm rất hợp lý. iPhone đi sau smartphone Android cả về NFC và cảm biến vân tay. Nhưng, NFC trên Android từ trước tới giờ cũng chỉ là để tiết kiệm được… vài chục giây khi kết nối phụ kiện Bluetooth hoặc chỉ để copy ảnh một cách thuận tiện. Nếu bạn dùng Dropbox hay Google Drive để sao lưu ảnh, NFC sẽ gần như là vô dụng. Trong quá trình sử dụng thực tế, cảm biến vân tay của Android chủ yếu chỉ dùng để mở khóa màn hình hoặc đăng nhập vào các ứng dụng dịch vụ mà thôi.

Apple sử dụng NFC và cảm biến vân tay cho một nền tảng thanh toán mới (Apple Pay), giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và tăng mức độ an toàn một cách đáng kể cho người dùng khi họ cần trả tiền mua hàng. Với Apple Pay, Apple hẳn nhiên cũng sẽ thu một nguồn lợi quảng cáo khổng lồ. Trước đó, Touch ID được sử dụng để giúp người dùng mua nội dung số từ iTunes một cách dễ dàng.

Apple chỉ ra mắt NFC khi cần dùng trên một nền tảng thanh toán tiềm năng khổng lồ (Táo nắm 800 triệu số thẻ tín dụng) Apple chỉ ra mắt NFC khi cần dùng trên một nền tảng thanh toán tiềm năng khổng lồ (Táo nắm 800 triệu số thẻ tín dụng)

Apple có mục tiêu kinh tế rất cụ thể dành cho NFC và Touch ID, chứ không phải chỉ để làm một "gạch đầu dòng" như trong các mẩu quảng cáo về Galaxy S5 hay LG G3. Nếu là một nhà sản xuất, bạn muốn ra mắt NFC theo cách của Apple hay theo cách của Samsung?

Xây dựng hình ảnh theo đúng ham muốn thực tế của đông đảo người tiêu dùng

Khi bạn so sánh iPhone 6 với Galaxy S5, LG G3 hay HTC One M8, bạn sẽ thấy mỗi sản phẩm đều sẽ có điểm vượt trội và cũng sẽ có điểm thua kém so với các đối thủ. Các hãng sản xuất sẽ phải tìm cách để thuyết phục người dùng rằng bạn cần phải chạy theo những đặc điểm nổi trội của riêng họ và bỏ qua những thiếu hụt so với các sản phẩm cạnh tranh. Một sản phẩm tốt là chưa đủ, chính khâu quảng bá mới làm nên thành công và thất bại.

Bởi vậy, hãy nhìn lại hình ảnh mà Apple tự xây dựng cho mình. Hãy hỏi người dùng phổ thông: trong phần lớn các trường hợp, bạn cũng đều sẽ nhận được câu trả lời rằng Apple là một công ty có thiết kế đẹp, và trải nghiệm Apple lúc nào cũng rất hoàn thiện (dù có thể thiếu hụt tính năng): "Táo không làm cái gì thì thôi, nhưng đã làm là đâu vào đấy".

Android bám đuổi rất quyết liệt, nhưng ấn tượng chung của người dùng vẫn là iOS ổn định, trau chuốt hơn Android bám đuổi rất quyết liệt, nhưng ấn tượng chung của người dùng vẫn là iOS ổn định, trau chuốt hơn

Ngược lại, Samsung, LG, HTC hay Nokia thì lại thường xuyên tập trung xây dựng hình ảnh vượt trội về tính năng. Trong những năm gần đây, bạn sẽ thấy chính các công ty này mới là các thế lực sáng tạo mới. Thương hiệu HTC One gắn với camera Ultrapixel và bộ loa kép BoomSound. Thương hiệu Note gắn với màn hình "khủng" và bút stylus, Thương hiệu Lumia của Nokia được coi là số 1 về chất lượng ảnh chụp. LG nổi danh vì những sáng tạo rất táo bạo như màn hình 5.5 inch lên smartphone "thường" hoặc các nút bấm được chuyển ra sau lưng máy.

Các hãng đã lựa chọn như vậy, nhưng người dùng thì muốn chạy theo hình ảnh nào? Khi nhìn vào toàn bộ thị trường, bạn sẽ nhận thấy rằng số người thực sự muốn "khoe khoang" rằng smartphone của họ có loa kép hay có camera 41MP là không nhiều. Có chăng, những người khác cũng sẽ chỉ hỏi 1, 2 câu về những tính năng này vì tò mò, nhưng cũng sẽ không coi chúng các tính năng mơ ước. Đôi khi, các đột phá sẽ gây phản tác dụng. Camera Ultrapixel thường bị chê bai vì có độ phân giải quá thấp, trong khi các nút bấm sau lưng của dòng LG G cũng thường bị đánh giá là hơi bất tiện.

Không thể phủ nhận chất lượng của camera 41MP. Nhưng bao nhiêu người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu 1020? Không thể phủ nhận chất lượng của camera 41MP. Nhưng bao nhiêu người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu 1020?

Trái lại, iPhone luôn tạo được cảm giác rất rõ ràng cho người dùng phổ thông rằng họ đang cầm trên tay một chiếc điện thoại quý phái và thuộc về một đẳng cấp được nhiều người ghi nhận. Đây là những gì người dùng phổ thông muốn. Apple không phải bỏ sức thuyết phục, bởi người dùng đã lựa chọn chạy theo hình ảnh này ngay từ đầu.

Thực tế đã chứng minh rằng Apple chọn đúng hình ảnh để xây dựng. Trừ trường hợp bạn theo đuổi những ngành nghề đặc biệt đòi hỏi hiểu biết công nghệ (ví dụ như phần mềm hoặc mạng máy tính), bạn sẽ nhận thấy rằng ở xung quanh, nếu có 1 người thực sự đam mê công nghệ thì sẽ lại có 3, 4 người không quá quan tâm đến hi-tech. Nhưng chính những người dùng bình thường này mới là yếu tố quyết định xem Apple, Samsung hay Sony sẽ là thương hiệu có giá nhất. Chỉ xét riêng trên phân khúc cao cấp, với phần đông người dùng, Apple vẫn là tên tuổi được thèm muốn nhất, "đẳng cấp" nhất, đẹp nhất.

Thành công của Apple là tạo được tâm lý thèm muốn và thỏa mãn cho khách hàng (tiềm năng) của mình Thành công của Apple là tạo được tâm lý thèm muốn và thỏa mãn cho khách hàng (tiềm năng) của mình

Sẽ có rất nhiều "người sành công nghệ" lên tiếng chỉ trích rằng chỉ có kẻ ngớ ngẩn mới mua smartphone vì đẳng cấp và thiết kế "đẹp" chứ không phải là tính năng. Nhưng nhu cầu về cái đẹp và nhu cầu được thể hiện bản thân vẫn là những nhu cầu có thật và chính đáng của bất cứ ai. Nếu không, thì các hãng sản xuất xe hơi sang trọng như Mercedes hoặc Bentley cũng đã chết từ rất lâu rồi! Apple hiểu rõ và rất biết cách để khuyến khích/đáp ứng cho nhu cầu "đẹp, đẳng cấp" vốn thường xuyên bị các báo hi-tech và giới hâm mộ công nghệ lên án. Ngược lại, Samsung hay Nokia vẫn cứ mải mê chỉ trích cả Táo lẫn fan Táo vì thiếu hụt tính năng và rồi tìm cách tô điểm các tính năng nổi trội của mình.

Hãy nhìn một cách rất thực tế: những mẩu quảng cáo mang tính chất "lên án" như vậy có thu phục được fan Táo, hay đơn thuần chỉ là "dịch vụ tâm lý" dành cho các fan Android mà thôi?

http://www.youtube.com/watch?v=_vxd9ZhofG8

Những mẩu quảng cáo chọc ngoáy của Samsung và Nokia đơn thuần chỉ để cho các fan có sẵn... tự sướng

http://www.youtube.com/watch?v=uv8H3iB9gjg

Và những mẩu quảng cáo tập trung vào đẳng cấp, vào thiết kế thì lại chẳng thu phục được iFan

Và hiển nhiên Apple vẫn là lựa chọn của rất nhiều người "sành công nghệ". Công ty nào đã khởi đầu trào lưu trợ lý ảo? Công ty nào đã khởi đầu cho thiết kế chip 64-bit trên di động? Hệ điều hành của công ty nào hiện vẫn đang đứng đầu về số lượng và chất lượng đồ họa ứng dụng? Câu trả lời là Apple.

Hẳn nhiên, khi đọc bài viết này, bạn đã thấy có những cảm xúc không mấy dễ chịu. Song, hãy nhớ rằng chúng ta  không lý giải vì sao iPhone là một chiếc smartphone hoàn hảo dựa theo tiêu chí sử dụng của riêng mình. Chúng ta đang không tìm cách bào chữa cho một công ty với những chiến lược kinh doanh quá cao tay và (có thể là) coi thường người dùng. Thay vào đó, chúng ta đã tìm hiểu lý do vì sao một công ty như vậy vẫn cứ đi từ thành công này sang thành công khác. Trong phần cuối của loạt bài, hãy cùng nhìn về tương lai của Apple. Liệu Quả Táo có phải chịu một cái kết như Nokia và Motorola, những công ty vốn quá bảo thủ mà đi đến chỗ chết hay không?

FB Messager